Phần 4: Cây Cà Chua
Website Marketing
Th 5 01/06/2023
CÁC LOẠI RAU TRỒNG TRONG VƯỜN RAU TẠI NHÀ CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU
Trong bài trước chúng ta đã được biết về cách cơ cấu một vườn rau mini tại nhà rồi. Hôm nay tôi sẽ hướng dẫn các bạn người mới chi tiết cách trồng các loại rau trên khu vườn đó nhé.
PHẦN 4: CÂY CÀ CHUA
Cà chua là một cây trồng rất hay nếu có trong khu vườn của bạn. Phải nói rằng cà chua không hẳn là một cây dễ trồng nhưng chắc chắn rằng nếu có cà chua trong chu vườn của bạn thì chứng tỏ rằng kinh nghiệm làm vườn của bạn đã được nâng cao và khu vườn của bạn giống như đã được lên một cấp độ mới. Điều này giống như việc bạn đã tốt nghiệp khóa làm vườn sơ cấp và bước vào ngưỡng cửa trung cấp vậy.
Đôi nét về cây cà chua
Cây cà chua là cây trồng mùa ấm, ưa nắng và không chịu được sương giá. Điều quan trọng là không đưa cây trồng vào đất ngoài trời quá sớm. Khi cây được trồng ngoài tự nhiên cần đảm bảo rằng thời tiết đã ấm hơn khoảng từ 15 độ trở lên là tốt nhất.
Thời gian sinh trưởng của cà chua trung bình từ 60-100 ngày sẽ cho thu hoạch, tùy thuộc vào đặc điểm của giống, đặc tính về thời gian sinh trưởng của cây có thể xem trên bao bì của hạt cà chua. Tốt nhất nên ươm cây con cà chua trong bầu trước khi đem trồng ngoài tự nhiên.
Cây giống tốt là cây mập mạp, cứng cáp không bị non quá và không có sâu bệnh, kích thước gốc càng lớn càng tốt.
Chúng không được có lá vàng, đốm, hoặc bị tổn thương do côn trùng, cũng như không có hoa hoặc quả đang nở.
Cách trồng cây cà chua
Chọn vị trí trồng cà chua là nơi có nhiều ánh sáng mặt trời vì cà chua là cây ưa sáng. Tốt nhất nên hạn chế trồng cà chua trong bóng râm vì hiệu quả không cao. Làm đất trước khi trồng cà chua bằng cách đào hố nhỏ có kích thước gấp đôi bầu cây hoặc nếu trồng cả luống thì trộn lớp đất mặt luống với phân hữu cơ và để đó khoảng 2 tuần để phân hủy trước khi trồng.
Không nên trồng cà chua vào vị trí mà đã có cây cùng họ trồng trước đó như là cà tím, khoai tây vì có thể tồn tại mầm bệnh từ tàn dư cây trồng trước có thể gây bệnh cho cà chua.
Đất trồng cà chua phải tơi xốp, không có sỏi đá và thoát nước tốt không bị úng nước.
Thời điểm trồng cà chua
Cà chua là loại cây sống lâu năm, ưa nhiệt, không chịu được sương giá, vì vậy hãy đợi cho đến khi thời tiết ấm lên vào mùa xuân mới trồng cà chua. Ở Việt Nam có 2 kiểu thời tiết rõ rệt nên ở miền bắc chỉ có thể trồng cà chua vào thời điểm ấm là mua xuân, hè cho tới mùa thu còn ở miền nam có thể trồng quanh năm.
Hạt giống cần gieo vào bầu trước khi trồng khoảng 4-6 tuần và tốt nhất nên gieo trong nhà.
Nếu như thời tiết ấm áp quanh năm như ở miền nam Việt Nam thì có thể gieo trực tiếp xuống đất, gieo vào các hố đất đã làm tơi xốp và lấp một lớp đất mỏng lên trên hạt, tưới nước đủ ẩm vào hố cây và tiến hành các biện pháp bảo vệ hạt và mầm non khỏi sự tấn công của sâu bệnh hại. Cách phổ biến nhất là cắt đáy và miệng chai coca 1,5l và cắm 1 đầu xuống đất bao lấy cây con.
Làm cứng cà chua
Nếu bạn trồng cây con từ bầu thì bạn sẽ cần “làm cứng” cây con trong một tuần trước khi cấy chúng xuống đất. Đặt bầu cây con ngoài trời trong bóng râm trong vài giờ vào ngày đầu tiên. Tăng dần thời gian này mỗi ngày và vào những ngày cuối có thể bao gồm một chút ánh sáng mặt trời trực tiếp.
Cấy cà chua
Khi thời tiết thích hợp (nhiệt độ ấm, trời mát, không lạnh không nắng gắt thì tiến hành cấy cây con từ bầu ra luống ngoài trời, tại vị trí đã xác định để trồng cây cà chua.
Cắm cọc vào cạnh gốc cây cà chua và định hình cho cây con mọc theo cọc chống gốc đó. Có thể cắm cọc 3 phía quanh gốc để tăng hiệu quả.
Lưu ý: Khi trồng cây thì không nên bổ xung phân bón có đạm. Hãy bổ xung phân bón có chứa nhiều silic để tăng độ cứng cáp của cây và hạn chế được một số sâu bệnh hại.
Khi trồng cây con, hãy ngắt bớt một vài lá phía dưới. Đặt bầu khá sâu xuống đất sao cho vùi kín bầu và một phần gốc trên bầu. Khoảng cách trồng cây là từ 75 cm -1m.
- Tưới nước đầy đủ để giảm sốc cho rễ.
- Phát sinh và phát triển
- Tưới nước
- Tưới nước vào sáng sớm để cây có đủ độ ẩm vượt qua ngày nắng nóng.
- Khi cây con mới trồng tưới nước nhiều hơn trong những ngày đầu.
- Không nên tưới nước vào lá cây mà chỉ tưới vào gốc cây. Cũng không nên tưới nước vào buổi chiều sẽ phát sinh nhiều sâu bệnh.
- Nên phủ một lớp rơm rạ vào gốc cây để tăng khả năng giữ ẩm và làm mát đất trong những ngày nắng nóng.
Khi trời khô hạn hoặc nắng nóng cần tăng cường tưới nước cho cây, cũng có thể phủ một lớp lưới đen quanh gốc để hạn chế cỏ dại và ngăn bốc hơi nước.
Bón phân
Phân bón nên được trộn với đất trước khi trồng cây vào đất và nếu cần có thể bổ xung thêm phân có chứa nhiều lân để lót trước khi trồng.
Cứ mỗi khoảng 3 tuần một lần gỡ lớp phù quanh gốc và trộn phân hữu cơ đã qua xử lý vào rìa gốc cách gốc khoảng 20 – 30cm rồi đậy lớp phủ lại.
Tham khảo: Phân hữu cơ đã qua xử lý
Tiếp tục bón phân cho cà chua khoảng 3 đến 4 tuần một lần như vậy cho đến khi trời chuyển rét và cây tàn.
Lưu ý: Tránh các loại phân bón tan nhanh và tránh các loại phân bón có hàm lượng nitơ cao. Dư thừa đạm sẽ làm cho tán lá tươi tốt nhưng ít hoa và ít hoặc không có quả.
Thủ thuật với cây cà chua
- Nếu trồng cà chua dây leo, hãy cắt bỏ các chồi non (thân và lá mới, nhỏ xíu giữa các cành và thân chính). Điều này giúp lưu thông không khí và cho phép nhiều ánh sáng mặt trời vào giữa cây hơn.
- Nhẹ nhàng buộc các thân cây vào cọc bằng giẻ, dây bện hoặc dây mềm.
- Khi cây phát triển, hãy cắt tỉa các lá phía dưới từ phía dưới 30 cm của thân cây.
- Đối với cà chua bụi hãy loại bỏ các chồi gần gốc và loại bỏ các ánh đối nhau chỉ giữ lại 1 ánh để cây phát triển khỏe mạnh. Chú ý loại bỏ các ánh đâm vào thân và ưu tiên giữ lại các ánh hướng ra ngoài.
- Các giống cà chua được khuyến nghị
Phân loại
- Cà chua có rất nhiều cách phân loại khiến cho theo đó cũng có rất nhiều loại cà chua. Có thể kể tới cách phân loại theo hoa sẽ phân loại ra thành cà chua hữu hạn và cà chua vô hạn. Cà chua hữu hạn là loại số hoa trên chồi hoa là hữu hạn và cà chua vô hạn là cà chua liên tục phân hóa hoa từ chồi hoa và sẽ không dừng lại nếu còn được chăm sóc tốt.
- Kiểu phân loại thứ hai là dựa vào kiểu thân có thể chia ra thành cà chua leo và cà chua bụi. Cà chua bụi là loại cà chua mà cây thấp, mọc thành bụi và cà chua leo thì thân cây rất to, cần có giàn để đỡ thân cây.
- Cà chua bụi thường chỉ có chiều cao khoảng từ 75cm - 1m và thường ra hoa theo đợt và quả chín đồng loạt. Loại này không phát triển nhiều thân lá và cho năng suất sớm hơn cà chua leo. Loại cà chua này thì hầu như không cần áp dụng kỹ thuật hãm ra hoa như khoanh cành hay tạo khô hạn.
- Cà chua dây leo thì ngược lại so với cà chua cây bụi, loại này sẽ phát triển mạnh về thân lá và ra hoa không đồng loạt. Loại này thường phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật để hãm ra hoa nếu muốn tăng năng suất. Các biện pháp kỹ thuật có thể kể tới như là khoanh cành hoặc hãm khô hạn trong một khoảng thời gian nhất định. Thông thường loại này ít được trồng công nghiệp mà hay trồng làm cảnh.
Hình 1: Cây cà chua bụi thuộc loại cà chua bi lùn
- Một cách phân loại cà chua nữa là dựa vào kích thước quả chúng ta sẽ có cà chua bi và cà chua quả to. Đúng như tên gọi cà chua bi có quả nhỏ như đầu ngón tay và cà chua to là loại quả rất to có thể lên tới 300g 1 quả.
Tham khảo một số giống cà chua thích hợp trải nghiệm sau:
- Hạt giống cà chua quả to Gandeeva 366 f1
- Hạt giống cà chua quả to f1 tn 747
- Hạt giống cà chua cherry vàng CN 1612
- Hạt giống cà chua bi f1 sv102
- Hạt giống cà chua bi vàng f1 sv 123
- Hạt giống cà chua to chịu nhiệt f1 t112
- Hạt giống cà chua bi lùn f1 quả đỏ
Hình 2: cà chua leo thuộc loại cà chua quả to
Thu hoạch:
Thu hoạch cà chua khi quả đã chín hoàn toàn là tốt nhất. Tuy nhiên kèm một số điều kiện sau:
- Thu hoạch cà chua khi chúng đã đỏ hoặc đã chuyển màu chín đều theo từng giống nhưng còn cứng, kích thước nào cũng được.
- Nếu nhiệt độ bắt đầu giảm và cà chua của bạn không chín, hãy sử dụng một trong các phương pháp sau:
- Nhổ toàn bộ cây lên, rửa sạch đất cát và bụi bẩn, loại bỏ tán lá và treo ngược cây ở nơi kín khí và tối và có nhiệt độ ấm.
- Có thể thử thêm phương pháp giấm cà chua bằng cách hái những quả đã già mà chưa chín rồi đặt vào nơi tối và ấm như thùng gạo hoặc để lẫn với các quả đã chín đỏ để nhận sự kích thích chín từ những quả chín.
- Không được phơi nắng cà chua vì chúng sẽ hỏng trước khi chín.
Cách bảo quản cà chua
- Cà chua sau khi thu hoạch có thể được bọc kín trong túi nilon và xoắn cho hết không khí trong túi rồi đặt vào ngăn mát tủ lạnh, làm như vậy có thể bảo quản quả rất lâu.
- Bảo quản ruột cà chua đông lạnh bằng cách lấy phần lõi của cà chua và cho vào hộp kín, cho vào ngăn đông của tủ lạnh và khi cần sử dụng chỉ cần giã đông là được.
- Ngoài ra nếu cà chua đã chín mà còn cứng thì có thể bảo quản được vài ngày ở nhiệt độ phòng với điều kiện khô ráo.
Một vài fact về cà chua
- Cà chua mặc dù có nguồn gốc từ Mỹ nhưng nó không được biết tới như là một loài cây bản địa tại đây. Các nhà thám hiểm Tây Ban Nhã đã đến trong chuyến thám hiểm châu Mỹ đầu tiên và mang hạt giống về châu Âu và sau đó lại mang nó trở lại châu Mỹ
- Ban đầu, cà chua được cho là có độc và chỉ được trồng vào thế kỷ 19 như một loại cây cảnh được gọi là “Quả táo thiên đường” ở Đức và “Quả táo tình yêu” ở Pháp.
- Lý do nhầm lẫn rằng cà chua có độc có lẽ đã nảy sinh bởi vì loài thực vật này thuộc họ Nightshade, trong đó một số loài thực sự độc.
- Mọi người đã tranh cãi trong một thời gian khá dài về việc cà chua là trái cây hay rau quả!
- Giảm đau đầu bằng cách uống nước ép cà chua trộn với húng quế tươi.
Quản lý sâu bệnh và các vấn đề phát sinh
Vấn đề về cà chua có thể xảy ra
- Nếu cây không có hoa, Có thể là do cây không đủ nắng hoặc bị khô hạn khiến cây không đủ yêu cầu để ra hoa.
- Nếu có nhiều hoa mà không có quả có thể do sinh lý của cây không phân hóa hoa cái hoặc chủ yếu là do thời tiết quá nóng (trên 35 độ) hoặc quá lạnh (dưới 10 độ) hoặc cũng có thể do thiếu nước hoặc thiếu các loại côn trùng hỗ trợ thụ phấn như ong hoặc bướm.
- Nếu có quả non hình thành nhưng bị rụng là do quá nóng (trên 40 độ C) và cần phải che nắng cũng như tưới nước nhiều hơn cho cây.
- Độ ẩm thấp cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn của cây. Lý tưởng là 40 đến 70 phần trăm. Nếu độ ẩm thấp, phun sương cho cây để giúp phấn hoa bám vào.
Sâu hại cà chua
- Trong trường hợp đối với cây cà chua tôi sẽ không làm thành bảng như 3 loại cây ở các phần trước. Vì sao ư? Vì như đã nói ở phần đầu tiên thì cây cà chua không hẳn là một cây dễ trồng nhưng trồng cây cà chua cũng không khó. Bạn đã có ít nhiều kinh nghiệm làm vườn rồi nên chỉ cần đọc sơ bộ bạn cũng sẽ nắm được phần nào.
- Về nguyên lý thì chúng ta vẫn khẳng định là ưu tiên phòng và hạn chế chữa. Tức là áp dụng các biện pháp phòng bệnh thường xuyên và định kỳ sẽ hạn chế phát sinh sâu bệnh trên vườn.
Có một số loại sâu hại cà chua chính đó là:
- Sâu đục trái cà chua là loại sâu non ăn đục vào trái cà chua. Loài này có trưởng thành hoạt động vào ban đêm do đó muốn tìm thấy loài này cần soi đèn vào ban đêm. Loại này phòng trừ bằng cách thường xuyên soi đèn vào ban đêm và nếu phát hiện trưởng thành thì xịt chế phẩm trừ sâu an toàn secsaigon.
- Sâu vẽ bùa là một loại rất hay gặp trên cây cà chua, lá bị hại sẽ bị ăn lớp biểu bì chỉ còn lại lớp màng màu trắng trên mặt lá. Loại này phòng trừ bằng cách xịt chế phẩm secsaigon lên cây khi cây lên chồi non hoặc đang có quả non để phòng trừ trưởng thành đẻ trứng.
- Bọ phấn là một loài trích hút hại cây cà chua, chúng thường xuất hiện vào sáng sớm và chiều mát. Bọ phấn hút nhựa cây làm cho cây cà chua có thể bị héo, ngã vàng và chết. Bọ phấn tiết ra dịch ngọt là môi trường cho nấm muội đen phát triển. Cách phòng trừ đó là xịt chế phẩm secsaigon khi thấy trưởng thành xuất hiện.
- Ngoài ra còn có các loại sâu hại khác như là bọ cưa, bọ trĩ và các loài sâu non ăn lá khác.
Vậy cách phòng tổng quát sâu hại cà chua là gì?
Đó là thường xuyên tỉa cành thông thoáng, loại bỏ cành lá già trên cây. Bón phân cân đối và chỉ bón phân hữu cơ, hạn chế tối đa bón NPK và bổ xung thêm silic cho cây để cây cứng cáp hơn. Xịt chế phẩm vi sinh đối kháng hoặc chế phẩm secsaigon định kỳ 10-15 ngày một lần sẽ phòng côn trùng gây hại cực kỳ hiệu quả.
Bệnh hại cà chua
Bệnh hại cà chua thì có một số bệnh chính sau:
- Bệnh héo xanh vi khuẩn, bệnh này do vi khuẩn gây ra. Cây bị bệnh sẽ héo rũ vào ban ngày và có thể tươi lại vào ban đêm. Sau vài ngày như vậy cây có thể sẽ chết. Bệnh này cần phun thuốc hóa học tuy nhiên việc này là bị cấm trong trồng rau an toàn tại nhà nên chỉ có thể phòng bệnh bằng cách làm sạch đất và bổ xung hữu cơ cho đất, Bổ xung vi sinh vật đối kháng vào đất và không trồng cây vào vị trí có cây họ cà đã trồng vào vụ trước. Nếu cây bị bệnh hãy nhổ bỏ và tiêu hủy ngay.
- Bệnh thán thư, bệnh này do nấm gây ra và và thường do tưới nước lên bề mặt lá. Lá bị bệnh có các đốm nâu và vết đốm đã chết khô. Bệnh này chỉ cần cách nước là có thể bệnh sẽ giảm dần. Cách phòng đó là không tưới nước lên lá cây, thường xuyên tỉa bỏ lá già và giữ cho cây thông thoáng.
- Bệnh thối gốc rễ do nấm gây ra. Triệu chứng bệnh đó là cây bị chết ở gốc hoặc rễ bị thối. Mới bị nhẹ cây sẽ yếu, dễ đổ lá úa, cây còi cọc kém phát triển. Nếu bị nhẹ có thể bới lớp đất quanh vị trí thối ra và để dưới ánh nắng mặt trời có thể tưới nhẹ bằng rượu hoặc cồn loãng vào vị trí thối, sau vài ngày cây lành lại có thể lấp đất lại. Nếu cây bị nặng tiến hành nhổ bỏ toàn bộ cây và tiêu hủy tàn dư.
- Kinh nghiệm quản lý bệnh cây cà chua: Thường xuyên kiểm tra cây cà chua, loại bỏ lá già và giữ cho thân cây thông thoáng. Tưới các loại vi sinh đối kháng bệnh vào gốc cây. Xới đất thì xới xa gốc không được xới gần gốc.
Trên đây là toàn bộ về những điều cần biết về cây cà chua trồng tại vườn nhà. Chúc các bạn thành công.